Napas nỗ lực thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa

Napas nỗ lực thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa

Tin tức sự kiện    06/09/2022 10:01
Chia sẻ qua:
Napas phối hợp với các tổ chức tài chính triển khai nhiều dòng thẻ, mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán, nhiều ưu đãi nhằm tăng thanh toán không tiền mặt.

Thông tin chia sẻ trong buổi tọa đàm trực tuyến "Phát triển thẻ tín dụng nội địa: Con đường tiếp cận tài chính toàn diện" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức vào ngày 29/8. Trong chương trình, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ nhiều ý kiến nhiều người dân sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán và rút tiền mặt chi tiêu khi cấp bách; tại sao thẻ tín dụng nội địa lại trở thành sản phẩm chiến lược của các ngân hàng, công ty tài chính; vai trò của các bên tham gia để thẻ tín dụng nội địa trở nên gần gũi và phổ biến hơn với đa số người dân.

Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó tổng giám đốc Napas cho biết, trong những năm gần đây, thẻ nội địa do các tổ chức tài chính Việt Nam phát hành có sự phát triển vượt bậc. Theo số liệu của Napas, trong 5 năm qua, xét riêng về việc chi tiêu tại các điểm giao dịch (POS), thẻ nội địa tăng trưởng 45% về số lượng giao dịch và 40% về giá trị giao dịch. Còn xét về chi tiêu online và trực tuyến, thẻ nội địa tăng trưởng 87% về số lượng giao dịch và 107% về giá trị giao dịch. Thanh toán thẻ nội địa để mua hàng hóa dịch vụ đang ngày càng trở nên phổ biến hơn với nhiều người dân Việt Nam, không chỉ sử dụng rút tiền tại ATM để chi tiêu như trước.


Các chuyên gia tham dự tọa đàm. Ảnh: Napas

Nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán điện tử ngày càng tăng của người dân, trong vai trò đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, Napas đã phối hợp với các tổ chức tài chính triển khai các sản phẩm thẻ nội địa hiện đại, nhiều tiện ích.

Theo đó, thẻ tín dụng nội địa do Napas phối hợp các ngân hàng, công ty tài chính triển khai trên thị trường từ đầu năm 2021. Thẻ tín dụng nội địa tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa của Ngân hàng Nhà nước ban hành cũng như đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế EMV. Thẻ ứng dụng công nghệ chip không tiếp xúc với tính năng an toàn, bảo mật cao và mang lại trải nghiệm thanh toán "chạm" cho khách hàng một cách đơn giản, dễ dàng mà không phải nhập mã PIN hay ký với những giao dịch giá trị nhỏ.

Thẻ tín dụng nội địa có chức năng "tiêu trước trả sau", thời gian miễn lãi lên đến 55 ngày, đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của người dân hay cần rút tiền mặt chi tiêu trong các tình huống cấp bách.

Với những ưu điểm nổi trội cùng với mức phí thấp hơn thẻ tín dụng quốc tế, thẻ tín dụng nội địa phù hợp với nhiều nhóm khách hàng, giúp người dân tiếp cận tài chính toàn diện dễ dàng hơn.

Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty tài chính cổ phần Tín Việt (Vietcredit) cho biết phân khúc khách hàng VietCredit nhắm đến hiện nay là những bạn trẻ có nhu cầu vay trước và trả sau. Nhóm này có thu nhập ổn định nhưng mức lương hiện tại chưa đủ để tích lũy nên họ có thể mua sắm ngay và trả góp sau. Đây là nhu cầu thiết thực, đặc biệt với dân số trẻ Việt Nam hiện nay. Các quốc gia phát triển khác cho chúng ta thấy bài học đó.

Ngoài ra, nhóm khách có nhu cầu chi tiêu cho những khoản phát sinh đột xuất ngoài kế hoạch tài chính cũng rất lớn. Họ là công nhân, lao động tự do, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Những khách này thường không có tiền để dành bởi thu nhập hàng tháng vốn đã rất ít ỏi, còn phải lo chi trả sinh hoạt phí cho bản thân và gia đình. Khi xảy ra những việc cấp bách như ốm đau, đi viện thì việc đi vay là tất yếu.

Thẻ tín dụng nội địa thường có hạn mức vay thấp hơn so với các thẻ tín dụng khác nhằm khuyến khích, phổ cập việc chi tiêu không dùng tiền mặt của mọi người dân. Thông qua sản phẩm này, người dân có thể tiếp cận nguồn tín dụng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Đối với cá thể kinh doanh nhỏ lẻ, đây còn là nguồn vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, theo ông Đăng Hùng.

Kể từ thời điểm ra mắt từ đầu năm 2021, đến nay đã có 12 tổ chức tài chính phát hành thẻ tín dụng nội địa gồm 9 ngân hàng, 3 công ty tài chính. Đến tháng 6, có gần 600.000 thẻ phát hành.

Theo ông Nguyễn Trường Giang - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng phát triển Thanh toán, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, hiện nay hành lang pháp lý cho thẻ ngân hàng, trong đó có thẻ tín dụng nội địa đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành tương đối đầy đủ. Thời gian tới, tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, cũng như công ty chuyển mạch thẻ cần phải có các giải pháp cụ thể nhằm đưa thẻ tín dụng nội địa trở thành giải pháp cho người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tín dụng tiêu dùng.

Về phía Napas, thời gian qua, công ty đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy việc mở rộng mạng lưới các tổ chức thành viên tham gia triển khai phát hành thẻ tín dụng nội địa. Cuối năm ngoái, Napas đã ký thỏa thuận thúc đẩy hợp tác với 14 đơn vị, tạo cơ sở phát triển thẻ tín dụng nội địa. Đơn vị chú trọng mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán để gia tăng sự tiện lợi cho người sử dụng. Thẻ tín dụng nội địa có thể thực hiện rút tiền trên 20.000 máy ATM của Napas hợp tác với các ngân hàng và có 350.000 điểm giao dịch chấp nhận thẻ tín dụng nội địa.

Napas cũng đã phối hợp các ngân hàng triển khai sản phẩm thẻ nội địa đa tiện ích. Cụ thể, thẻ Lộc Việt của Agribank với hai tính năng ghi nợ và tín dụng tích hợp trong cùng một con chip. Thẻ kép của Vietinbank với hai chip trên cùng một thẻ, một chip dành cho tính năng ghi nợ và chip còn lại dành cho tính năng tín dụng.

Về vấn đề biểu phí của thẻ tín dụng nội địa, ông Đăng Hùng cho biết: "Nhằm khuyến khích các bên tham gia phát hành thẻ tín dụng nội địa, Napas đã nghiên cứu để thống nhất với tổ chức phát hành, tổ chức thanh toán thẻ biểu phí hợp lý. Mức phí chia sẻ, trao đổi hài hòa, hợp lý giữa các bên và đảm bảo sự cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích chung, từ đó tạo ra động lực phát triển cho thị trường và người tiêu dùng được hưởng lợi".

Đơn vị cũng hỗ trợ các tổ chức phát hành triển khai nhiều chương trình ưu đãi để giới thiệu, thu hút khách hàng trải nghiệm, sử dụng thẻ tín dụng nội địa nhiều hơn trong chi tiêu mua sắm hàng ngày, qua đó góp phần hình thành thói quen thanh toán không tiền mặt cho người dân.

Nguồn: Vnexpress.net