Thanh toán số vào mùa giao dịch cao điểm cuối năm

Thanh toán số vào mùa giao dịch cao điểm cuối năm

Tin tức nội bộ    27/01/2024 10:36
Chia sẻ qua:
Vào dịp cuối năm, nhu cầu về thanh toán hàng hóa dịch vụ, mua sắm phục vụ cho tiêu dùng của người dân thường tăng cao, trong đó hoạt động chi trả lương, rút tiền qua hệ thống máy ATM và thanh toán tại các siêu thị, trung tâm thương mại được quan tâm nhiều nhất. Để chuẩn bị phục vụ tốt nhất cho mua sắm mọi người, các ngân hàng cũng tung hàng loạt ưu đãi hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng

Vào dịp cuối năm, nhu cầu về thanh toán hàng hóa dịch vụ, mua sắm phục vụ cho tiêu dùng của người dân thường tăng cao, trong đó hoạt động chi trả lương, rút tiền qua hệ thống máy ATM và thanh toán tại các siêu thị, trung tâm thương mại được quan tâm nhiều nhất. Để chuẩn bị phục vụ tốt nhất cho mua sắm mọi người, các ngân hàng cũng tung hàng loạt ưu đãi hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng.

(Khách hàng mua sắm tại siêu thị Go! mùa cuối năm)

Qua khảo sát, một bộ phận người dân đã bắt đầu lên danh mục sắm Tết Giáp Thìn 2024 sớm hơn mọi năm, trong đó nhu cầu mua đồ dùng gia đình, quà biếu, thực phẩm… chiếm phần lớn các khoản chi tiêu. Cũng có nhiều người lại lên kế hoạch cho kỳ nghỉ dài cùng người thân hoặc bạn bè. Nắm bắt xu hướng này, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng đã mạnh tay tung ra các chương trình ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của khách hàng, thông qua đó kích cầu cho nền kinh tế. Hiện tại, những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế như đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu tăng trở lại, sức cầu tiêu dùng tăng dịp cuối năm, khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản dần được tháo gỡ... đã góp phần kích thích nhu cầu vay vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, trên không gian công nghệ thanh toán không tiền mặt, các ngân hàng đã và đang triển khai những công nghệ mới nhất như: thanh toán contactless, mã QR, công nghệ NFC, Digital bank, công nghệ eKYC (công nghệ định danh trực tuyến). Hiện nay, thị trường đang hình thành hệ sinh thái số, kết nối liên thông giữa ngân hàng, tổ chức liên kết dịch vụ công, tạo nên trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng tăng cường tuyên truyền, vận động các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các cơ sở bán lẻ trên địa bàn tỉnh triển khai áp dụng giải pháp thanh toán số từ các nhà cung cấp dịch vụ uy tín bằng cách mở rộng và chấp nhận các hình thức thanh toán như thanh toán qua POS, thanh toán qua mã QR, các ví điện tử Momo, Viettel Pay, VNPT Money..., thanh toán qua Internet Banking, Mobile Banking…; triển khai thí điểm mô hình Chợ 4.0 tại chợ Rồng (thành phố Nam Định), chợ Liễu Đề, chợ Nghĩa Thái, chợ Bình Lãng, chợ Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng)… trong đó chú trọng vào 2 dịch vụ chính là thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng các loại hóa đơn, biên lai điện tử. Xây dựng Kế hoạch hưởng ứng thực hiện “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023” trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ số công bố, giới thiệu các sản phẩm/dịch vụ/giải pháp của doanh nghiệp trong việc phát triển thương mại điện tử… Đồng thời, rà soát kiểm tra hệ thống thanh toán điểm ATM, máy POS trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn có 225 điểm ATM và 701 POS được lắp đặt ở 620 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, nhà hàng...
Với nỗ lực của ngành Ngân hàng, mùa mua sắm cuối năm nay hứa hẹn khởi sắc, đem lại động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế thông qua thương mại điện tử.

(Nguồn: Báo Nam Định điện tử - https://baonamdinh.vn/kinh-te)