Ngân hàng tăng đầu tư cho dịch vụ, tiện ích công nghệ

Ngân hàng tăng đầu tư cho dịch vụ, tiện ích công nghệ

Tin tức sự kiện    01/11/2018 15:24
Chia sẻ qua:
Đẩy mạnh giao dịch trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ thẻ... giúp ngân hàng phát triển kinh doanh, thu hút người dùng.

Thời gian gần đây, bên cạnh mảng cho vay, các ngân hàng còn đẩy mạnh triển khai loạt tiện ích, dịch vụ mới, tung ra nhiều ưu đãi cho khách hàng sử dụng ngân hàng số, dịch vụ thẻ và các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khác.

Đây là động thái của các ngân hàng nhằm thích nghi với thời đại công nghệ mới với sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử. Theo báo cáo của Google và Temasek, trong giai đoạn 2015-2025, thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 33-35% một năm, gấp ba lần mức tăng trưởng của ngành bán lẻ truyền thống. 

Sức hấp dẫn của thương mại điện tử kéo theo hàng loạt dịch vụ bổ trợ như thanh toán qua cổng giao dịch, ví điện tử, công nghệ thanh toán bằng QR code, một chạm...

Nhiều ngân hàng trong nước ưu tiên đầu tư ngân sách để cải thiện, nâng tầm dịch vụ, tiện ích trực tuyến. Cụ thể, nhiều sản phẩm hiện đại, đa dạng đã xuất hiện như Smart Banking của BIDV, công nghệ hợp kênh Internet Banking và Mobile Banking của OCB, Live Bank (ngân hàng tự động 24/7) của TPBank... giúp thu hẹp khoảng cách giữa người dùng và nhà băng, gia tăng trải nghiệm cho khách.

Kết quả năm 2017, có hơn 10 ngân hàng đạt mức tăng trưởng trung bình gần 40%. Nửa đầu năm 2018, công bố từ một số đơn vị cho thấy lãi ròng từ dịch vụ thanh toán đã tăng 22%, mức lãi thuần vượt con số 1.700 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng điện tử, dịch vụ liên kết...

Nhóm các ngân hàng ngoại cũng không đứng ngoài cuộc. HSBC, Shinhan Bank và Standard Chartered bắt tay với các đơn vị bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ để khai thác mạnh dịch vụ thẻ, thanh toán không dùng tiền mặt nhằm kích thích chi tiêu. Ngân hàng điện tử trên nền tảng di động, Internet cũng nhận vốn đầu tư mạnh mẽ.

Chọn hướng đi đón đầu, ngân hàng bán lẻ tốt nhất Malaysia năm 2017 - CIMB tập trung vào việc phát triển ngân hàng số ngay khi gia nhập thị trường Việt Nam. Cuối năm 2017, nhà băng này quyết định chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên tại Đông Nam Á để phát triển mô hình mới.

Dịch vụ ngân hàng số được đánh giá sẽ nâng cao trải nghiệm người dùng, rút ngắn thời gian giao dịch, cho phép khách hàng chủ động quản lý tài chính và tiết kiệm chi phí. Bước đi này của CIMB được đánh giá có tầm nhìn xa, thể hiện sự cam kết đầu tư lâu dài cũng như gắn bó chặt chẽ với khách hàng Việt.

Với lợi thế tiềm lực mạnh, nhóm ngân hàng ngoại có nhiều nhiều dịch vụ thiết thực, gắn liền với lợi ích của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ nổi trội, năng lực tài chính dồi dào, niềm tin tiêu dùng cao cũng khiến nhóm ngân hàng này ghi điểm trong mắt khách hàng.

Bên cạnh phát huy lợi thế nguồn lực lớn, các chuyên gia tài chính khuyến nghị ngân hàng cần chú trọng bảo đảm an ninh hệ thống, nhất là trong hoạt động thanh toán, liên kết với bên thứ ba. 

Ngoài ra, việc kiềm chế phí dịch vụ cũng là một yếu tố quan trọng quyết định mức độ hài lòng của khách hàng đối với các tiện ích mới.

Nguồn: Vnexpress.net